Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Học kế toán hay làm kế toán thực tế bạn đều cần phải biết và hiểu hệ thống chuẩn mực kế toán. Chuẩn mực kế toán (accounting standards) là những quy định do tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu và ban hành để làm cơ sở cho việc lập và giải thích các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính.

Theo điều 8 Luật kế toán Việt Nam xác định chuẩn mực kế toán bao gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

Theo quan điểm kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán chính là nhưng qui định, hướng dẫn cần được tôn trọng khi thực hiện các công việc kế toán và khi trình bày các thông tin trong các báo cáo tài chính sao cho đảm bảo tính minh bạch của các báo cáo tài chính.

Với hai quan điểm này, có thể nói, nguyên tắc kế toán mang tính khái quát, nó áp dụng cho tất cả các đối tượng kế toán, trong khi chuẩn mực kế toán là những qui định cụ thể liên quan các đối tượng kế toán nhất định. Chẳng hạn, nguyên tắc kế toán cơ sở dồn tích được áp dụng cho mọi đối tượng của kế toán, trong khi Chuẩn mực số 02 chẳng hạn thì chỉ áp dụng cho đối tượng kế toán là hàng tồn kho. Hệ thống chuẩn mực kế toán được xây dựng dựa trên luật kế toán, các giả thuyết, các định đề cũng như các nguyên tắc kế toán. Các bạn có thể tham khảo Luật kế toán Việt Nam và Chuẩn mực kế toán 01 – Chuẩn mực chung ở phần Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ở cuối cuốn sách này.

Danh sách 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam đã ban hành – Vietnam Accounting Standars (VAS) tính đến cuối năm 2005

Đợt 1 ban hành 4 chuẩn mực theo quyết định Số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 với thông tư hướng dẫn thực hiện ban hành ngày 09/10/2002, số 89/2002/TT-BTC:
  • Chuẩn mực số 02 – Hàng tồn kho
  • Chuẩn mực số 03 – Tài sản cố định hữu hình
  • Chuẩn mực số 04 – Tài sản cố định vô hình
  • Chuẩn mực số 14 – Doanh thu và thu nhập khác

Đợt 2 ban hành 6 chuẩn mực theo quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 với thông tư hướng dẫn thực hiện số 105/2003/TT-BTC ngày 04/11/2003
  • Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung
  • Chuẩn mực số 06 – Thuê tài sản
  • Chuẩn mực số 10 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái
  • Chuẩn mực số 15 – Hợp đồng xây dựng
  • Chuẩn mực số 16 – Chi phí đi vay
  • Chuẩn mực số 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Đợt 3 ban hành 6 chuẩn mực theo quyết định số số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 với thông tư hướng dẫn thực hiện số 23/2005/TT-BTC ngày 30/03/2005
  • Chuẩn mực số 05 – Bất động sản đầu tư
  • Chuẩn mực số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết
  • Chuẩn mực số 08 – Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh
  • Chuẩn mực số 21 – Trình bày báo cáo tài chính
  • Chuẩn mực số 25 – Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con
  • Chuẩn mực số 26 – Thông tin về các bên liên quan

Đợt 4 ban hành 6 chuẩn mực theo quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 với thông tư hướng dẫn thực hiện số 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/06
  • Chuẩn mực số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Chuẩn mực số 22 – Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự
  • Chuẩn mực số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm
  • Chuẩn mực số 27 – Báo cáo tài chính giữa niên độ
  • Chuẩn mực số 28 – Báo cáo bộ phận
  • Chuẩn mực số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót

Đợt 5 ban hành 4 chuẩn mực theo quyết định số 100/2005/QĐ-BTC ngày 28/12/2005 với thông tư hướng dẫn thực hiện số 21/2006/TT-BTC ngày 20/3/06
  • Chuẩn mực số 11 – Hợp nhất kinh doanh
  • Chuẩn mực số 18 – Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng
  • Chuẩn mực số 19 – Hợp đồng bảo hiểm
  • Chuẩn mực số 30 – Lãi trên cổ phiếu

Lưu ý: Để tìm hiểu sâu các chuẩn mực này, các bạn cần nghiên cứu tiếp tục các môn học Kế toán tài chính 1 và Kế toán tài chính 2.

Nguồn: http://ketoantaichinh.net trich dankinhte.

Leave a Reply